[Việt Nam] có loài mối Macrotermes rất mới .
Mối Macrotermes thuộc phân họ Macrotermitinae khá phổ biến ở Việt nam, chúng gây hại đối với đê đập, công trình xây dựng và cây trồng (Nguyễn Đức Khảm , Vũ Văn Tuyển 1985). Bên cạnh đó, chúng còn có vai trò to lớn trong việc phân giải thảm thực vật trả lại độ mùn cho đất (Collin, 1977).
Trong 5 năm qua, chúng tôi đã tiến hành điều tra đa dạng sinh học của giống mối Macrotermes ở 22 tỉnh miền Bắc Việt nam nhằm phát hiện đầy đủ nguồn gen của nhóm mối có ý nghĩa kinh tế này và đã tìm thấy một loài mới tại vùng núi đá vôi của vườn Quốc gia Phong nha, Quảng Bình.
Mối lính lớn:
Đầu mầu nâu đỏ, hàm trên mầu đen, gốc hàm mầu nâu đen; râu, môi trên cùng mầu với đầu. Các tấm lưng ngực có mầu nâu đỏ nhạt, tấm lưng ngực trước thẫm mầu hơn, mép các tấm lưng ngực có mầu nâu đỏ thẫm. Các tấm lưng bụng và chân có mầu nâu vàng, chân hơi nhạt mầu hơn. Đầu hầu như không có lông cứng, trừ phần chân gốc môi và trán có một số lông cứng.
Môi trên có 2 hàng lông cứng chạy gần như song song với 2 mép bên. Các tấm lưng ngực có một số lông cứng, đặc biệt mép trước tấm lưng ngực trước có một số lông cứng ngắn, dài xen kẽ. Số lượng lông cứng của đốt bụng sau tăng nhiều hơn so với đốt bụng trước nó. Chân có nhiều lông cứng, đặc biệt là ở phần ống chân.
Đầu hình chữ nhật, từ gốc râu trở về sau mép bên đầu song song, đặc điểm này ít thấy ở loài Macrotermes nào khác trong khu vực nghiên cứu. Từ gốc râu trở về trước, mép bên đầu thu nhỏ, mép bên sau lượn tròn đều. Thóp nhỏ, nằm ở giữa đầu.
Mắt có dạng giọt nước mờ, nằm bên sau hố râu. Nhìn nghiêng, phần trước giữa đầu hơi lồi lên; trán phẳng và hơi lõm xuống; cằm cong vừa phải.
Hàm trên thô mập, phần ngọn uốn cong vào trong. Hàm trên trái có phần ngọn nhỏ hơn và uốn cong hơn so với hàm phải. Mép trong hàm trái ở phần gốc có 3 vết khắc sâu; tiếp sau là các vết khắc nông dần về phía ngọn, ở 1/3 phần ngọn không có vết khắc. Mép trong của hàm phải không có vết khắc ở gốc, nhưng lại có một răng nhỏ dạng điểm đặc trưng, phần mép hàm phía trên răng nhỏ này tại vị trí lõm vào của hàm còn có 2 răng nhỏ dạng điểm sát nhau ở phần đĩa hàm, nên khi nhìn thẳng từ trên xuống khó thấy. Như vậy hàm phải có 3 răng nhỏ dạng điểm nằm ở phần gốc. Môi trên hình vòm hay hình lưỡi, chiều dài lớn hơn chiều rộng, chỗ rộng nhất nằm ở phần giữa môi.
Râu 17 đốt, đốt 3 dài gấp 2 lần đốt 2 và đốt 4, đốt 5 ngắn hơn đốt 4. Cằm có hình dạng á chữ nhật, phần trước và phần sau phình to, chỗ rộng nhất nằm ở phần trước của cằm, tại vị trí này mép bên lượn tròn hẹp có góc, chỗ hẹp nhất nằm ở gần giữa của cằm. Tấm lưng ngực trước hình yên ngựa, điểm giữa mép trước và mép sau lõm vào. Vết lõm ở mép trước sâu nhưng hẹp hơn vết lõm ở mép sau. Thùy bên lượn tròn hẹp, tấm lưng ngực giữa hẹp hơn tấm lưng ngực sau và tấm lưng ngực trước, mép sau lõm vào tương tự như vết lõm ở mép sau của tấm lưng ngực trước, nhưng hơi nông hơn, mép bên lượn tròn hơi có góc. Tấm lưng ngực sau rộng hơn tấm lưng ngực giữa nhưng hẹp hơn tấm lưng ngực trước, mép sau hơi lõm vào hoặc thẳng bằng. Mép bên lượn tròn hơi có góc nhưng không rõ.
Mối lính nhỏ:
Đầu mầu nâu vàng; râu, môi trên cùng mầu với đầu; hàm trên mầu nâu đen. Các tấm lưng ngực và bụng nhạt mầu hơn đầu, riêng tấm lưng ngực trước có mầu thẫm hơn các tấm còn lại; chân mầu vàng nâu nhạt.
Trên bề mặt đầu rải rác có một số lông cứng; chân gốc môi có một vài lông cứng dài; các tấm lưng ngực cũng có một số lông cứng, mép trước của tấm lưng ngực trước có các lông cứng ngắn dài xen kẽ nhau. Các tấm lưng bụng có các lông cứng không mọc thành hàng rõ rệt, số lượng các lông cứng tăng lên theo trật tự các tấm lưng bụng từ trước ra sau; ống chân có nhiều lông cứng hơn các phần khác của chân.
Đầu hình á chữ nhật, phần giữa hơi phình to, 2 mép bên hơi lượn sóng, chứ không phẳng như thường gặp ở các loài khác, mép bên sau lượn tròn rộng. Thóp có dạng điểm nhỏ, nằm dịch về phần giữa sau của đầu.
Mắt rất mờ, hầu như không quan sát thấy. Nhìn nghiêng, mép lưng đầu cong nhẹ, chân gốc môi hơi lồi, mép bụng của đầu hơi cong hơn so với mép lưng, cằm uốn cong tương tự như mép bụng. Hàm trên mảnh, ngọn chỉ hơi uốn cong vào phía trong, hàm trái có ngọn mảnh hơn, nhưng gốc lại lớn hơn so với hàm phải.
Mép trong hàm trái có một số vết khắc ở phần gốc hàm, mép trong hàm phải trơn nhẫn. Môi trên hình lưỡi, phần ngọn thu nhỏ, chiều dài lớn hơn chiều rộng; đỉnh mỡ có hình tam giác, đỉnh tù. Cằm hình á chữ nhật, phần trước phình to và cũng là phần rộng nhất của cằm; tại vị trí này, mép bên lượn tròn không có góc, chỗ hẹp nhất nằm ở phần sau của cằm. Tấm lưng ngực trước hình yên ngựa, điểm giữa mép trước chỉ hơi lõm vào, điểm giữa mép sau lõm vào rộng và sâu hơn, thùy bên lượn tròn hẹp. Tấm lưng ngực giữa hẹp hơn tấm lưng ngực trước và sau, điểm giữa mép bên sau cũng lõm vào, mép bên lượn tròn rộng. Tấm lưng ngực sau lớn hơn tấm lưng ngực giữa nhưng hẹp hơn tấm lưng ngực trước, mép sau hơi lõm vào, mép bên lượn tròn không có góc.
Từ kết quả phân tích mẫu vật thu được, chúng tôi thấy, về mặt hình thái và kích thước loài M. phongnhaensis sp. nov. không giống với các loài thuộc giống Macrotermes được mô tả trong các tài liệu của Ahmad (1958, 1965), Thapa (1982), Ahmad (1958, 1965), Roonwal and Chhotani (1962), Akhta (1975), Thapa (1982), Li Guixiang, Ping Zheng-ming (1983), Ping Zhengming, Li Guixiang, Xu Yueli (1985), Han Meizhinh (1986), Li Guixiang, Xiao Wei-Liang (1989), Tho (1992), Nguyễn Tân Vương (1996). Về đặc điểm đầu hình chữ nhật, loài Macrotermes phongnhaensis sp. nov. gần giống với loài M. planicapitatus và M. acrocephalus được mô tả trong tài liệu của Huang Fusheng et al. (2000), nhưng có thể phân biệt giữa chúng ở một số đặc điểm sau:
Mối lính lớn
Kích thước của đầu mối lính loài M. phongnhaensis lớn hơn, chiều dài của đầu đến gốc hàm là 4,1-4,15 mm và chiều rộng của đầu là 2,92-2,95mm, còn các số đo này ở loài M. planicapitatus là 3,50-3,80mm và 2,60-2,80mm; ở loài M. acrocephalus là 3,30mm và 2,59 mm.
Hàm phải của loài nghiên cứu có răng nhỏ, dạng điểm, trong khi ở cả 2 loài so sánh không có đặc điểm này.
Mối lính nhỏ
Kích thước của đầu mối lính nhỏ của loài Macrotermes phongnhaensis sp. nov cũng lớn hơn các loài so sánh, chiều dài của đầu đến gốc hàm trên và chiều rộng của đầu tương ứng là 2,05 mm và 1,65 mm. Loài M. planicapitatus có các giá trị đo tương ứng là 1,70-1,80 mm và 1,30-1,50 mm; loài M. acrocephalus là 1,75-1,99 mm và 1,38-1,58 mm.
Mép bên đầu của loài nghiên cứu lượn sóng, còn ở loài so sánh có mép bên đầu nhẵn.
Chỗ hẹp nhất của cằm loài Macrotermes phongnhaensis nằm ở phần sau của cằm trong khi ở loài M. planicapitatus và loài M. acrocephalus lại ở phần trước của cằm../