Côn trùng con nhộng và châu chấu thực đơn của tương lai
Bạn hãy quên đi xăng-uyt, bít-tết, thịt heo hay các loại thịt khác, từ đây chỉ có con nhộng và châu chấu cho thực đơn hằng ngày! Nếu mọi người chấp nhận thực đơn này thì đây sẽ là một giải pháp tối ưu để chống lại nạn đói xảy ra trên hành tinh của chúng ta.
>> Các nhà khoa học - loài chim có thể chọn vật liệu xây tổ tốt nhất
>> Hồng hạc ở vườn thú Adelaide ở Úc có thể sống ít nhất 83 tuổi
>> Con thiên nga cao 1,2 mét đã bị gọi là sinh vật phân biệt chủng tộc
Hôm nay là thời khắc mà bạn làm cho cả gia đình kinh ngạc khi bạn chuẩn bị bữa ăn sáng. Vẫn là các thành phần cũ: sôcôla, đường, trứng, bơ, bột... nhưng đặc biệt là có thêm một lượng lớn con nhộng! Có thể mẹ bạn không hứng thú với sự thay đổi này nhưng cảm giác giòn tan mà những ấu trùng này mang đến cũng có hương vị riêng.
Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) trong công trình nghiên cứu hợp tác với Viện đại học Wageninger, Hà Lan đã khẳng định: đưa côn trùng vào thực đơn của chúng ta để đảm bảo mọi người sẽ phải ăn chúng trong tương lai. Từ 7 tỷ người hiện tại, dân số thế giới sẽ vượt quá 9 tỷ trong vòng 40 năm nữa. Hiện nay, theo thống kê, đã có khoảng 900 triệu người đang bị đói. Theo các chuyên gia, con số này có khả năng bùng nổ. Với 2 tỷ miệng ăn tăng thêm, hậu quả là cần tăng thêm khối lượng thịt, ngũ cốc và rau xanh hàng năm. Nhưng, diện tích đất đai để trồng trọt, chăn nuôi có giới hạn, không thể đáp ứng cho nhu cầu sản xuất lượng thịt để nuôi sống con người. Vì tất cả những lý do trên, FAO đã khuyến khích ăn côn trùng thay cho thịt động vật trên khắp hành tinh.
Nuôi côn trùng - Giải pháp tối ưu
Thật vô ích khi quay trở lại biển cả. Con người đã đánh bắt cá đến nỗi nguồn dự trữ cá không thể sinh sôi để bù với lượng đánh bắt. Cũng như về vấn đề nuôi trồng thủy sản: không những gây ô nhiễm môi trường mà người ta còn bắt cả cá hoang dã để... nuôi cá! Vì vậy, Tổ chức Nông lương của LHQ đã tuyên bố giải pháp duy nhất, đó là côn trùng. Trên trái đất chúng ta hiện nay có cả một lượng rất lớn côn trùng có thể ăn được, trong đó khoảng 1.900 loài đã được tiêu thụ.
Phải nói rằng, những con vật bé nhỏ này đem lại rất nhiều lợi ích. Trái ngược với gia súc, chúng ta có thể nuôi côn trùng với khối lượng “khủng” trong một không gian nhỏ hẹp: chỉ cần một chuồng đất đơn giản, dung tích 90 lít, ta có thể nuôi từ 300 - 500 con châu chấu! Hơn nữa, chúng không phải là loại háu ăn, nên tốn rất ít thức ăn cho chúng. Sau đây là con số rất thuyết phục: chỉ cần 1,7kg thức ăn là có thể nuôi được 1kg châu chấu trong khi chúng ta phải tiêu tốn 4kg thực phẩm để tạo ra 1kg thịt lợn và đến 12kg thực vật để có 1kg thịt bò!
Nuôi côn trùng rõ ràng là rất lợi về phương diện sinh thái học. Thật vậy, các gia súc được nuôi thường là ổ chứa vi khuẩn, nên có thể làm lên men những gì chúng ăn và tạo ra khí thải. Trong số đó, khí metan và các chất dẫn xuất có khả năng sinh nhiệt và làm nóng bầu khí quyển. Trong khi các côn trùng tạo ra khí thải ít hơn 100 lần so với một con bò cái.
Cơ sở sản xuất côn trùng tại Pháp
Nằm trong Khu công nghiệp Saint-Orens-de-Gameville thuộc vùng Haute-Garonne, Pháp, một nhà kho bỏ hoang có diện tích 700m2, không cửa sổ, được tận dụng để nuôi côn trùng. Trong không gian ẩm ướt và nóng bức, hàng triệu con sâu bò lúc nhúc trên một cái giường phủ bột mì. “Chuồng” của chúng là những cái túi bằng chất dẻo, được sắp xếp dọc theo các bức tường. Trong nhà kho chính, mát mẻ hơn, hàng ngàn con dế mèn kêu inh ỏi. Chúng được nhốt trong những cái hộp sắp xếp thẳng hàng. 4 kỹ thuật viên đeo khẩu trang, trùm mũ và mặc áo choàng trắng có nhiệm vụ theo dõi nhiệt độ của không khí, làm đầy các bể chứa nước và chăm sóc các con côn trùng. Thực đơn của côn trùng bao gồm: bột mì, cỏ linh lăng, cà rốt, đại mạch và táo tây. Còn trái cây và rau xanh, được nuôi trồng tại chỗ bằng phương pháp sinh học, được bóc vỏ và thái nhỏ. Tất cả để đảm bảo cho sự tăng trưởng của các con vật quý giá này. Khi đã tăng trưởng đúng ngày, 8 tuần đối với dế mèn và 12 tuần đối với sâu thì những côn trùng này sẽ bị “hạ thủ” bằng một phương pháp bí mật. Sau đó, chúng được sấy khô và đóng gói để bán hay được làm “gia vị” cho bánh hạnh nhân, sôcôla...
Micronutris, cơ sở tiên phong trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp côn trùng tại Pháp đi vào hoạt động cách đây 1 năm, bao gồm: dế mèn (Acheta domesticus) và sâu bột (Tenebrio molitor). Các loại côn trùng này được cung cấp qua mạng internet cho các cửa hàng đặc sản chuyên bán thức ăn kiêng, sinh học và một số nhà hàng nổi tiếng như Aphrodite ở Nice, Pháp.
Lợi ích về kinh tế, môi trường và sức khỏe
Các tín đồ của “trường phái ăn côn trùng” từ đây sẽ vững tâm hơn vì đã có những bằng chứng đáng tin cậy về dinh dưỡng, kinh tế và môi trường. Khoảng 2.000 loại côn trùng đặc biệt rất giàu protein mà lại ít mỡ, được nuôi dưỡng khắp thế giới. Hàm lượng protein có thể đạt đến 75% và chất mỡ chỉ có 2,2% ở dế mèn và châu chấu. Một lợi ích dinh dưỡng khác là chúng rất giàu vitamin, sắt, kẽm, omega-3...
Côn trùng có khả năng tự sinh sản, tự phát triển rất nhanh và cơ thể chúng có thể ăn được, gần như vô hại. Trái ngược với động vật có vú, côn trùng không tiêu thụ nhiều năng lượng để phát triển. Hơn nữa, nuôi côn trùng không gây ô nhiễm môi trường như nuôi động vật có vú (lợn, bò, dê...) do chúng ít tạo ra khí thải. Một công trình nghiên cứu của Viện đại học Wageningen, Hà Lan, cho thấy sản xuất 1kg dế mèn chỉ thải ra 0,09g khí cacbonic (CO2) mỗi ngày so với 7g đối với thịt bò và 28g đối với thịt lợn. Dữ liệu sau cùng: cấu trúc gen của côn trùng khác rất xa với con người, nên nguy cơ bị lây nhiễm bệnh là không thể so với nguy cơ nhiễm virut cúm A/H5N1 hay bệnh SARS... từ động vật.