Loài ruồi trắng khổng lồ đe dọa châu Á.
Ruồi trắng khổng lồ (Aleurodicus dugesii) là một loài ăn tạp xuất xứ từ Trung Mỹ, ưa thích các loài cây gỗ có hoa, bao gồm cả cây ăn quả và cây họ dâm bụt. Chúng gây dịch hại trên 50 cây cảnh phổ biến, hoạt động bằng cách hút nhựa từ thực vật. Trong quá trình đó, chúng làm chảy ra một chất dịch giàu đường. Chất dịch này phát triển thành một loại mốc đen như bồ hóng phủ trên bề mặt lá, làm lá giảm khả năng tiếp xúc ánh sáng mặt trời, từ đó giết chết cây trồng.
Theo Science Daily, đây là lần đầu tiên loài côn trùng phá hoại này được phát hiện ở châu Á.
Rangaswamy Muniappan - nhà côn trùng học người Indonesia đứng đầu chương trình quản lý dịch hại tổng hợp tại ĐH Công nghệ Vigrinia - phát hiện loài côn trùng này trên một cây trạng nguyên dọc bên lề đường ở Cipanas, Indonesia.
“Mối quan tâm của chúng tôi là ruồi trắng khổng lồ có thể lây lan sang phần còn lại các đảo ở Indonesia và các nước láng giềng khác ở Đông Nam Á và Nam Á" - ông nói.
“Sự phá hoại của chúng có thể gây hủy diệt trên diện rộng các loại cây trồng, như từng xảy ra với loài bọ trong bột sắn ở Xích đạo châu Phi những năm 1980, gây thiệt hại trên cây trồng trị giá hàng tỉ đôla, dẫn đến nạn đói lan rộng" - ông cảnh báo.
Muniappan đề xuất giải pháp cho mối đe dọa này: sử dụng những kẻ thù tự nhiên của Aleurodicus dugesii, trong đó có loài ong bắp cày ký sinh Idioporus affinis và Encarsiella noyesii ở Mỹ.
Ông cũng đề nghị các nhà khoa học ở những nước ruồi trắng khổng lồ chưa lây lan đến nên dùng biện pháp phòng ngừa, phun hóa chất diệt côn trùng như thông báo cho công chúng và cảnh báo các quan chức kiểm dịch thực vật để tránh thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.