Muỗi truyền bệnh đã kháng thuốc diệt côn trùng
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh, Khoa Sinh học phân tử (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Việt Nam), qua các thí nghiệm cho thấy, tại Hà Nội và một số vùng đã có hiện tượng muỗi truyền sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản đã bị kháng thuốc diệt côn trùng. Điều này không những gây nên nguy cơ bị truyền nhiễm bệnh cao hơn mà còn khiến dịch gây bệnh quanh năm, không thể chủ động dập tắt dịch.
Nguyên nhân muỗi kháng thuốc diệt côn trùng là do người dân tự ý, lạm dụng thuốc diệt muỗi mà không có kế hoạch, sử dụng hoá chất nông nghiệp quá nhiều khiến muỗi quen với các hoá chất... Khi dùng nhiều hoá chất sẽ khiến cho muỗi có áp lực chọn lọc để tồn tại, từ đó có biến đổi chất để thích nghi với môi trường nhiều hoá chất này.
Cũng không loại trừ, từ trước đến nay, cách dập dịch sốt xuất huyết vẫn đang làm sai phương pháp là dập dịch từ trong ra ngoài và khi có dịch mới dập.
Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng này, người dân cần có sự chọn lọc trong việc sử dụng hoá chất, thay đổi hoặc dùng kết hợp hoá chất mới. Cơ quan dịch tễ nên dập dịch từ ngoài vào trong và dập từ vùng chưa có dịch vào lòng dịch. Diệt muỗi trưởng thành trong vòng 2 tuần, sau đó người dân tiếp tục diệt bọ gậy...
Còn PGS Nguyễn Thuý Hoa, Trưởng khoa Côn trùng và Động vât y học cho rằng, cơ quan dịch tễ chủ yếu phun thuốc diệt muỗi tức thời chứ không diệt hoàn toàn, vì thế sau đó người dân phải chủ động diệt bằng cách làm sạch nhà cửa, đổ nước lưu...
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết hiện nay, nhiều người sử dụng thuốc diệt muỗi có tác dụng tồn lưu trong vòng 3 - 6 tháng cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ.
Tuy nhiên, cần sử dụng thuốc được chứng nhận của Bộ Y tế, tránh dùng hàng trôi nổi vì các hoá chất này thường có độc tính cao hơn nhóm clo, DDP gây nên các bệnh nguy hiểm, thậm chí là mầm mống ung thư cho con người và môi trường, không được dùng bừa bãi.