Diệt côn trùng không chết, người bị nhiễm độc
> Ngộ độc vì... thuốc diệt muỗi > Cảnh báo khi dùng thuốc diệt côn trùng Theo TS Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế có những quy định rất nghiêm ngặt về phun hóa chất diệt côn trùng. Nhưng thị trường có rất nhiều loại hóa chất được bày bán tràn lan, người dân mua và tự phun thuốc, rất khó để kiểm soát mức độ nguy hiểm. Do dùng thuốc tùy tiện, không đúng liều lượng, dùng trong một thời gian quá dài dẫn tới tình trạng côn trùng thì kháng thuốc, “trơ” hóa chất, còn người thì nhiễm độc.
Bà Khoa kể, có lần cán bộ của Khoa Hóa thực nghiệm được mời đến diệt muỗi, gián cho một gia đình giàu có. Gián ở đây kháng thuốc đến độ lần đầu phun, chúng chạy ra ào ào mà không có con nào chết. Hỏi ra mới biết, trong nhà có tới 3 người giúp việc, thấy có gián, mỗi người tự đi mua thuốc diệt theo sự mách bảo của người khác. Mua loại A diệt không được thì mua loại B, thấy gián ở đâu xịt ngay vào đó. “Côn trùng có tính tránh thuốc, nếu chỉ phun một chỗ như vậy thì chỉ 1 con chết và những con khác tránh đi chỗ khác. Do đó, phun thuốc diệt côn trùng chỉ có hiệu quả cao khi phun cả khu vực”- TS Khoa nói.
Theo TS Phạm Thị Khoa, hiện nay có 2 cách phun diệt côn trùng là phun tồn lưu (phun lên bề mặt tường, tẩm màn) và phun sương. Tại gia đình thì nên phun tồn lưu vì có tác dụng phòng trừ hữu hiệu các loại côn trùng trong thời gian dài từ 3- 6 tháng.
Khi được hỏi về độc tố trong các loại thuốc xịt muỗi, TS Khoa khẳng định: Hóa chất nào cũng có chất độc, tuy độ độc không nhiều. Tùy thuộc vào phản ứng của mỗi người (trẻ em thường rất nhạy cảm với các loại hóa chất này) nhưng nếu tiếp xúc với một lượng thuốc đáng kể trong thời gian ngắn thì có khả năng gây ngộ độc cấp tính.
TS Phạm Thị Khoa khuyên các gia đình nên hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ muỗi trong gia đình mà nên sử dụng các biện pháp giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng đãng. Nếu tình trạng quá phức tạp thì cần đến các cơ sở có uy tín để được tư vấn về loại thuốc, liều lượng phun. Nếu nhất thiết phải phun thì phun xa nguồn nước, không nên phun vào bếp ăn, phun từ 2m trở xuống và dọn dẹp sạch sẽ trước khi phun.
“Để phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng phải lựa chọn hãng thuốc có uy tín, nguồn gốc và thời gian sử dụng rõ ràng, sử dụng đúng theo hướng dẫn, liều lượng ghi trên bình thuốc. Không để thuốc gần tầm với của trẻ em, thức ăn hay vật nuôi. Không dốc ngược bình. Rửa tay kỹ sau mỗi lần cầm bình xịt, không đập vỡ bình hay ném bình vào lửa ngay cả khi bình đã hết, không ném bình xuống sông suối, nguồn nước công cộng”.