Côn trùng gây hại ca cao ở Tây Nguyên
Thời gian gần đây ca cao được xem như một loại cây công nghiệp đem lại hiệu quả cao cho bà con nông dân và được trồng rộng rãi. Trong quá trình canh tác loại cây này cũng thường gặp một số loại sâu hại nguy hiểm :
Côn trùng gây hại chính
1.Mọt đục cành (Xyleborus morstatti)
a.Hình thái :
- Mọt trưởng thành là bọ cánh cứng nhỏ, dài khoảng 2 mm, màu nâu đen. Trên lưng và cánh cứng có nhiều lông ngắn thưa thớt và nhiều hàng chấm lõm.
- Sâu non màu trắng sữa, không có chân, mình mập, đầu màu nâu nhạt, đẫy sức dài 3 mm.
b.Triệu chứng gây hại :
- Mọt đục vào cành ca cao, lỗ đục tròn, miệng lỗ quay xuống dưới, đẻ trứng trong lổ đục.
- Sâu non đục thành đường ống dọc theo cành làm lá vàng héo, cành chết khô.
c.Phòng trừ :
- Chặt bỏ các cây dại xung quanh vườn ca cao để giảm bớt ký chủ của mọt đục cành.
- Cắt bỏ các cành khô và cành có lá héo để diệt sâu non.
- Phun thuốc ướt đều cây khi có nhiều mọt trưởng thành phát sinh :
+ Mospilan 3EC : 10-15 ml/ bình 8 lít ; Mospilan 20SP : 2,5 g/bình 16 lít
+ Oncol 20EC ; Sumithion 50EC : 30-40 ml/bình 8 lít
+ Nurelle D 25/2.5EC : 30 ml/bình 8 lít
2.Bọ nâu (Adoretus sp.)
a.Hình thái :
- Bọ trưởng thành là loài cánh cứng, hình bầu dục, màu nâu sẫm, có nhiều lông nhỏ, chân rất phát triển, có tính giả chết, gặp động buông mình rớt xuống đất.
- Sâu non màu trắng ngà, thân có nhiều lông nhỏ rải rác, uốn cong hình chữ C, đẫy sức dài 12-13 mm.
b.Triệu chứng gây hại :
- Bọ trưởng thành ban đêm cắn phá lá cây. Bọ ăn lá tạo thành những lỗ khuyết làm giảm diện tích quang hợp, bị hại nặng lá chỉ còn gân lá.
- Sâu non sống trong đất, ăn xác thực vật và rễ cây.
c.Phòng trừ :
- Dọn sạch cỏ dại trong vườn và quanh bờ.
- Dùng vợt bắt bọ trưởng thành vào chập tối.
- Phun thuốc (các thuốc như mọt đục cành) vào buổi chiều ướt đều tán lá.
3.Sâu hồng (Zeuzera coffeae)
a.Hình thái :
- Bướm tương đối lớn, cánh màu trắng xám, có nhiều chấm nhỏ màu xanh đen óng ánh, thân có nhiều lông trắng.
- Sâu non đẫy sức dài 40 mm màu đỏ vàng hoặc đỏ tươi, đầu màu đen.
b.Triệu chứng gây hại :
- Bướm đẻ trứng ở các kẽ nứt của vỏ cây, thân cành cây.
- Sâu non đục thành một đường vòng dưới vỏ cây, sau đó đục lên phía trên ngọn thân và các cành tạo thành đường hầm rồi đùn phân và mạt cưa rơi xuống đất.
- Cành bị sâu đục thường héo và dễ gãy, sâu tiếp tục sống trong cành khô và hóa nhộng trong cành.
c.Phòng trừ :
- Cắt bỏ đem đốt các cành bị sâu để diệt sâu non, nhộng.
- Phun thuốc vào nơi sâu thích đục lỗ (đầu cành non, chồi non) hoặc bơm thuốc vào lỗ đục:
+Fastac 5EC; Cyper 5EC; Sumi Alpha 5EC: 10 ml/bình 8 lít
+ Oncol 20EC ; Nurelle D 25/ 2.5EC; Hopsan 75ND; Ofunack 40EC; Sumithion 50EC : 25-30 ml/bình 8 lít.
Bình luận (0)
Add Comment