Muỗi suýt trở thành vũ khí sinh học thời Hitler
Muỗi mang mầm bệnh sốt rét
Các nhà khoa học đảng Quốc xã trước đây ở Đức từng tìm cách sử dụng muỗi mang mầm bệnh sốt rét làm vũ khí. Tuy nhiên, tới nay, các chuyên gia vẫn còn tranh cãi việc liệu Đức có tìm cách phát triển vũ khí sinh học thời Chiến tranh thế giới thứ II hay không.
Khi lật lại các hồ sơ lưu trữ tại Viện côn trùng học ở Dachau, Tiến sĩ Klaus Reinhardt thuộc Đại học Tổng hợp Tübingen, trưởng nhóm nghiên cứu, phát hiện ra rằng vũ khí sinh học muỗi có thể đã được phát triển làm vũ khí tấn công, chứ không phải phòng vệ.
Theo ông, năm 1944, Viện côn trùng học Dachau đã quyết định nghiên cứu loại muỗi đặc biệt phù hợp với cuộc tấn công sinh học. Ông cho biết các chuyên gia đã nghiên cứu loại muỗi nào có sức sống mạnh mẽ nhất nếu bị đưa tới một môi trường mới, có thể sống không ăn uống trong 4 ngày. Điều đó sẽ giúp muỗi nhiễm bệnh lây lan mầm bệnh trên diện rộng hơn với lượng người bị lây nhiễm nhiều hơn khi được thả vào lãnh thổ đối phương.
Muỗi nhiễm bệnh sốt rét
Tuy nhiên, các thử nghiệm trên muỗi nhiễm bệnh sốt rét chưa bao giờ được tiến hành và Hitler cũng phản đối vũ khí sinh học. Cho tới nay, các chuyên gia nhìn chung đều cho rằng đảng Quốc xã trước đây thường chỉ có ý sử dụng các loại vũ khí sinh học để phòng vệ.
Tiến sĩ Reinhardt đã cùng nhóm của mình trước đó công bố trên tạp chí khoa học Endeavor về phát hiện tại sao người đứng đầu Đội cận vệ (SS) của đảng Đức Quốc xã Heinrich Himmler lại cho xây dựng Viện Dachau để nghiên cứu về sinh lý học và kiểm soát côn trùng có thể tấn công gây hại cho con người.
Tuy nhiên, hiện không rõ liệu có mối liên hệ nào giữa công việc của Viện côn trùng Dachau với những thí nghiệm được Tiến sĩ Klaus Schilling tiến hành ở Trại tập trung Dachau hay không. Schilling đã sử dụng người làm vật thí nghiệm trong các nghiên cứu về bệnh sốt rét và nhân vật này sau chiến tranh đã bị kết án tử hình.