Xua đuổi côn trùng bằng mùi
Ngày 20-3 tới, HTX Thanh Long Chợ Gạo, Tiền Giang sẽ thu hoạch lứa thanh long sử dụng chế phẩm HTD (HiTek Development) do kỹ sư Hoàng Quý Châu và các cộng sự nghiên cứu chế tạo. Đây là chất dinh dưỡng có nguồn gốc hữu cơ, có thể thay đổi hoàn toàn cách phòng trừ sâu bọ truyền thống.
Đuổi côn trùng
Một trong những ưu điểm của HTD là tính chất xua đuổi côn trùng. Tác động xua đuổi chính nhờ vào hệ amin, những amin này phối hợp với nhau tạo ra mùi gây khó chịu, mùi sẽ lan tỏa đến từng ngóc ngách buộc côn trùng phải tránh xa. Trong tự nhiên, việc mùi tác động xua đuổi mà không gây chết thường không làm phát sinh các biotype mới; mùi tác động đến cơ quan cảm nhận mùi của côn trùng mà không tác động vào tế bào nên không gây biến dị di truyền. Đặc biệt, mùi của HTD chỉ có tác dụng trên côn trùng, riêng đối với người, HTD không có mùi.
Thực nghiệm tại một số vườn kiểng ở TPHCM cho thấy HTD đã xua đuổi mạnh côn trùng trong ngóc ngách của các chậu kiểng; khi kết hợp phân bón lá, cây kiểng có dấu hiệu vươn mạnh... Số lượng muỗi, gián... di tản khỏi vườn, ngóc ngách nhà trong thời gian rất ngắn; mật độ muỗi giảm đi rõ rệt sau 2 giờ xử lý.
Trong khi đó, theo kỹ sư Châu hiện nay hầu hết hóa chất diệt côn trùng nói chung và thuốc bảo vệ thực vật nói riêng, đều có mục đích tiêu diệt côn trùng bằng tác động qua đường miệng (côn trùng ăn phải), qua đường hô hấp (hít), gây ngán ăn,... và kết quả thường thấy là côn trùng sẽ chết. Nhưng điều này dẫn đến việc côn trùng lờn thuốc và trong thời gian rất ngắn chúng sẽ tự chuyển đổi bộ gien để tạo ra một biotype mới. Thế hệ biotype mới sẽ đề kháng mạnh với hóa chất diệt chúng như thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, con người lại phải tìm kiếm các loại thuốc mới để diệt những biotype mới này.
Tăng khả năng sinh trưởng cho cây
Theo các chuyên gia, mỗi năm, Việt Nam sử dụng đến 9 triệu tấn hóa chất thuộc 500 loại khác nhau, trong đó phần lớn là thuốc trừ sâu và còn lại là trừ cỏ, trừ bệnh. Trong thời gian dài, việc sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng nông nghiệp giúp cây trồng tăng nhanh năng suất, giảm thiểu sâu bệnh... đã đem lại nhiều thành tựu kinh tế đáng kể, nhưng ngược lại những hóa chất và nông dược này đã để lại nhiều tồn tại trên đồng ruộng như gây “chai” đất nặng nề. Những hóa chất này tác động xấu đến sức khỏe của người sử dụng (nông dân) ngay từ những lần phun xịt đầu tiên, làm ảnh hưởng đến quần thể động, thực vật sống quanh đó.
Kết quả thử nghiệm HTD trên 420 cây phong lan dendrobium bị suy kiệt do phân bón tại Tân Phú –TPHCM và thử nghiệm 200 m2 đậu phộng tại xã Trung An, Củ Chi- TPHCM cho thấy HTD đã giúp phục hồi nhanh các chồi mới. Ốc sên không còn gây hại cho cây lan. Không thấy xuất hiện cuốn chiếu, gián con ăn đầu rễ phong lan trong chậu. Nhện đỏ không còn tác hại trên lan dendrobium khi thời tiết chuyển sang mùa nóng.
Hầu hết các biên bản nghiệm thu cho thấy HTD có công dụng đuổi côn trùng và kích thích cây tăng trưởng tự nhiên. Ngoài ra, HTD còn có thể dùng cho sinh hoạt đời sống hằng ngày như xịt muỗi, pha với nước lau nhà...