Làm cách nào để máy diệt rầy không diệt côn trùng có ích
Khi được biết về việc chế tạo thành công bẫy diệt rầy của hai nông dân, tôi rất khâm phục trước sự say mê tìm tòi, khám phá ấy. Xin chúc cho các tác giả sức khoẻ và thành công hơn nữa, mong Việt Nam có nhiều sáng kiến, phát kiến hơn nữa. Bây giờ tôi xin phép được bàn về chiếc bẫy.
Việc sử dụng ánh sáng để hấp dẫn côn trùng (đối với côn trùng hướng quang dương) hay xua đuổi (đối với côn trùng hướng quang âm) đã được nhiều nhà khoa học công bố. Ngoài việc dùng ánh sáng, nhiều loại bẫy dẫn dụ khác như chất hấp dẫn sinh dục, dinh dưỡng... cũng được nói đến trong các chuyên đề, giáo trình khoa học. Tuy nhiên, ít ai mạnh dạn chế tạo, cải biến chúng cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết của Việt Nam và vấn đề kinh phí cũng ít nhiều "bó cái khôn".
Với tính năng của chiếc bẫy được quý báo công bố, tôi xin được đổi tên cúng cơm từ "Máy diệt rầy" thành "Máy diệt côn trùng" hoặc chính xác hơn là "Máy diệt một số côn trùng bị hấp dẫn bởi ánh sáng" bởi không chỉ rầy mà còn nhiều loài côn trùng khác bị cuốn vào bẫy. Qua đây, tôi cũng mong các tác giả hoàn chỉnh hơn chiếc máy để nó tiêu diệt sâu hại có tính chọn lọc, diệt được rầy, bọ xít... nhưng không làm chết oan các loài côn trùng vô hại hoặc ít hại.
Để làm được điều này, mong tác giả tìm hiểu tập tính hướng sáng và tần số ánh sáng hấp dẫn của từng loài cô trùng gây hại để điều chỉnh nguồn sáng của máy cho phù hợp. Ngoài ra, tôi chưa rõ các tác giả dùng nguồn ánh sáng như thế nào, ánh sáng tím là đơn giản chỉ màu tím hay nguồn sáng của tia tử ngoại? Nếu là tia tử ngoại thì phải xem lại vì sẽ gây ung thư nếu tiếp xúc nhiều, lâu dài.