Phát hiện thức ăn "khoái khẩu" của gián thời tiền sử
Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Slovak tại Slovakia vừa qua đã phát hiện một sự thật thú vị sau khi nghiên cứu chế độ ăn của loài gián cổ đại đã tuyệt chủng. Qua đó, họ nhận thấy, chất thải của các loài động vật, đặc biệt là khủng long sẽ trở thành nguồn thực phẩm dồi dào - một loại thức ăn "khoái khẩu" của gián.
Sử dụng phương pháp chụp ảnh tiên tiến, các nhà khoa học đã tìm thấy hạt gỗ bên trong ruột của gián và họ nghĩ ngay đến phân khủng long. Bởi hầu hết trong phân hóa thạch của khủng long đều chứa một thành phần lớn từ thực vật thân gỗ, hạt và phấn hoa.
Hình ảnh gián được "bảo quản" trong hóa thạch phân
Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học nhận thấy, bọ cánh cứng phân và ruồi không mấy phát triển ở Kỷ Đại Trung Sinh (khoảng 250 triệu đến 65 triệu năm trước), nhưng gián cổ đại thì lại "lang thang" trên Trái đất từ rất sớm, cùng thời đại với khủng long ăn cỏ.
Khi chiếu tia X vào con gián hóa thạch được bảo quản trong mảnh hổ phách tìm thấy ở Lebanon, có niên đại từ Kỷ Phấn trắng (khoảng 120 triệu năm trước), các chuyên gia nhận thấy, trong ruột nó có chứa những cục sỏi phân, cùng hạt, mảnh gỗ nhỏ khá nguyên vẹn.
Điều này cho thấy, gián khi ăn đã không nhai mà nuốt thẳng xuống bụng. Tuy nhiên, hệ thống tiêu hóa của côn trùng không có khả năng phân hủy gỗ. Đây chính là lời giải cho việc gián đã ăn phân của loài khủng long ăn cỏ thời xưa.
Khi khủng long tuyệt chủng, loài gián cũng mất đi một nguồn thức ăn khổng lồ, lúc này, chúng bắt đầu đi tìm kiếm một nguồn thực phẩm khác - đó là chất thải của dơi, chim...