Loài côn trùng lạ quý ông thường mua về nhai sống thay Viagra
Ve nhung đỏ - loài côn trùng khiến đàn ông Ấn Độ lũ lượt tìm mua
Tuy là loài côn trùng nguy hiểm có chứa nhiều độc tố nhưng ve nhung đỏ lại rất được “cưng chiều” ở quốc gia Hồi giáo này bởi công dụng nâng cao đời sống tình dục cho nam giới. Dung dịch chiết xuất được từ loài ve này đã được sử dụng lâu đời trong y học truyền thống phương Đông để chữa bệnh ít tinh trùng và liệt dương. Nó cũng được mệnh danh là “Viagra tự nhiên” của đàn ông Ấn Độ.
Ve nhung đỏ được tìm thấy trong lòng đất ở các khu vực bán sa mạc, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Trung Ấn Độ. Chúng thường xuất hiện sau cơn mưa đầu mùa và có thể nhìn thấy trên mặt đất với số lượng lớn. Cũng chính vì vậy mà ngoài tên gọi Red Velvet Mite, T. Grandissimum, ve nhung đỏ còn có biệt danh là “Insects of Rain” (côn trùng của mưa).
Điều đặc biệt, chỉ có thể nhìn thấy loài ve này một vài tuần trong năm. Loài côn trùng này thực sự ẩn chứa nhiều bí mật rất thú vị. Hiện nay, ve nhung khô được bán rộng rãi khắp các nơi trong bang Chattisgarh để các quý ông mua về nhai sống nhằm tăng cường ham muốn tình dục. Do đó, người ta gọi nó với cái tên hàm ý là “Viagra Ấn Độ”.
Có lẽ khi nghe tới cái tên và nhìn hình ảnh của ve nhung đỏ, nhiều người sẽ trầm trồ khen nó là một loài côn trùng xinh đẹp, đáng yêu. Tuy nhiên, chỉ người dân Ấn Độ mới biết ẩn sâu trong vẻ ngoài nhỏ bé ấy là những khả năng vô cùng thần kì.
Trong y học cổ truyền của quốc gia Hồi giáo này, ve nhung đỏ đã được sử dụng từ hàng nghìn năm nay để chữa trị bệnh ho gà, chứng tê liệt, bại liệt, sưng khớp, chàm và đặc biệt là tăng cường bản lĩnh đàn ông. Có rất nhiều các bài thuốc dân gian mà người dân nơi đây thường sử dụng để hỗ trợ chuyện chăn gối được chế từ loài “côn trùng của mưa” này. Đơn cử như chuyện đốt ve nhung đỏ khô thành tro rồi trộn với sữa mẹ để tăng cường “khả năng” của quý ông hoặc trộn tro với đường thốt nốt uống hàng ngày để cải thiện sự sinh tinh.
Mặc dù những bài thuốc này hiện nay không còn được sử dụng rộng rãi nữa nhưng niềm tin của phái mày râu Ấn Độ với loài ve có màu đỏ như nhung thì vẫn không hề giảm sút. Họ thường tích trữ những chú ve nhung được phơi khô trong một chiếc bình thủy tinh kín nắp và nhai sống trước khi “lâm trận” để tăng cường khả năng cương dương, kéo dài thời gian ân ái với bạn tình.
Có một điều cũng rất đặc biệt với loài côn trùng nhỏ bé nhưng rất “tiện ích” này là mặc dù nhìn bề ngoài có vẻ xinh đẹp nhưng ve nhung lại là loài côn trùng ăn thịt đáng sợ đối với mối, rệp, nhền nhện, bọ ve và bọ cánh cứng. Vì nhạy cảm với độ ẩm và có khuynh hướng bị khô dễ dàng nên chúng thường làm nhà trong các lớp lá cây. Chúng sống từ một tới vài năm bằng cách hút máu từ những loài côn trùng khác.
Ngoài ra, cuộc sống tình dục của chúng cũng không được thuận lợi như tác dụng thần kỳ mà chúng mang lại cho con người. Ve nhung đỏ đực khi trưởng thành không trực tiếp quan hệ với con cái mà phát tán tinh trùng của chúng trên cành cây hoặc thân cây; sau đó tạo ra một đường mòn phức tạp dẫn đến tinh trùng bằng các chất dịch màu trắng. Ve nhung đỏ cái cứ theo con đường mòn đó tìm tới và ngồi trên tinh trùng để thụ thai. Như vậy có nghĩa là loài sinh vật này không được hưởng những giây phút “hạnh phúc” khi “giao ban” như các loài khác.
Ve nhung khô – mặt hàng đắt khách
Hiện tại, ve nhung khô được bán nhiều nhất ở bang Chattisgarh – nơi có thành phố cổ 2.500 năm tuổi của Ấn Độ. Đây cũng được coi là nơi xuất phát đầu tiên của quan niệm sử dụng ve nhung đỏ như một loại thuốc hỗ trợ quan hệ tình dục. Ngoài ra nó còn được tìm thấy ở miền Bắc và miền Trung Ấn Độ.
Mặc dù chưa được thế giới biết đến nhiều, nhưng khoa học hiện đại cũng đã dành nhiều sự quan tâm và bắt tay vào nghiên cứu loài sinh vật đáng yêu này. Nghiên cứu được tiến hành bởi một nhóm các nhà khoa học Úc để kiểm tra tính an toàn của dịch tiết ra từ ve nhung đỏ được đăng tải trên Tạp chí Khoa học ứng dụng Úc năm 2010 đã cho thấy một kết quả đầy hứa hẹn. Nghiên cứu tiến hành trên chuột bạch tạng Thụy Sĩ. Những con chuột đực được tiêm chiết xuất dịch từ ve nhung đỏ đã có một phản ứng miễn dịch cao hơn so với những con chuột bình thường và chuột được tiêm nước muối thường xuyên.
Mặc dù dấu hiệu tăng cường khả năng tình dục và sinh tinh còn khá mờ nhạt nhưng những con chuột được thí nghiệm đều thể hiện sự gia tăng sức khỏe một cách đáng kể.
Người dân Ấn Độ săn lùng ve nhung đỏ sau cơn mưa đầu mùa.
Một nghiên cứu khác của một hãng dược phẩm Ấn Độ lại chỉ ra rằng, các chất trong ve nhung đỏ có tác dụng kháng nấm. Dịch được tiết ra từ da, toàn bộ cơ thể và hemolymph (chất lỏng trong hệ tuần hoàn của động vật chân đốt, tương tự như máu và dịch giữa các tế bào bao gồm cả nước, protein, chất béo, đường, hormone...) của loài côn trùng này được tiêm vào đĩa thạch (dùng trong nuôi cấy sinh vật thí nghiệm) có chứa nấm gây bệnh cho con người. Kết quả, các chất lỏng chiết xuất từ ve nhung đỏ có tác dụng kháng nấm rõ rệt và có thể được sử dụng trong tương lai như một loại thuốc.
Ve nhung đỏ là loài côn trùng khá hiếm bởi chúng chỉ xuất hiện một vài tuần đầu trong mùa mưa. Chính vì vậy, người dân Ấn Độ thường tranh thủ thời gian này để săn tìm chúng, phơi khô trong bóng râm tránh ánh mặt trời và bán tại các chợ địa phương.
Đặc biệt, từ khi một số hãng dược phẩm Ấn Độ thu mua loài sinh vật này để bào chế các loại thuốc thì nó trở thành mặt hàng “đắt khách” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc săn tìm ráo riết ve nhung đỏ lại khiến các nhà môi trường học lo ngại bởi sự hiện diện của chúng cực kỳ quan trọng đối với môi trường.
“Những con ve này là một phần của cộng đồng sinh vật chân đốt, có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ phân hủy trong rừng và trong việc duy trì cấu trúc của toàn bộ hệ sinh thái. Bằng cách ăn côn trùng, ăn nấm và vi khuẩn, chúng kích thích quá trình phân hủy. Và khi chúng biến mất khỏi khu vực này, nhiều quá trình quan trọng trong đất bị chậm đi nhiều. Về mặt y học thì các nghiên cứu chữa bệnh vẫn còn ở giai đoạn sơ khai nhưng về mặt sinh học, chúng tôi tin rằng ve nhung đỏ đóng vai trò rất quan trọng với đất. Chính vì vậy, việc bảo vệ loài sinh vật nhỏ bé mà hữu ích là việc mà con người nên làm”, Liam Heneghan, nhà sinh vật học đến từ Đại học DePaul (Mỹ) cho biết.