Diệt côn trùng cách nào hiệu quả và an toàn?
Theo ghi nhận của chúng tôi, thị trường máy diệt muỗi bây giờ phong phú hơn bao giờ hết. Cứ mỗi năm, có thêm vài thương hiệu và máy có kiểu dáng mới xuất hiện. Ngoài loại gắn cố định trên tường, còn có loại linh động, có thể mang đi mọi lúc mọi nơi. Trong đó, loại máy bắt muỗi bằng bước sóng ánh sáng chiếm số lượng lớn nhất có giá bán khoảng 200.000 - 1.000.000 đồng/cái. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng phàn nàn dùng chẳng có hiệu quả, nhất là đối với máy của Trung Quốc, chóng hỏng chỉ sau thời gian ngắn dùng. Đơn cử như trường hợp của chị Ánh Nguyệt ngụ ở P.5, Q.8, TP.HCM. Chị Nguyệt phản ảnh: “Biết khu vực nhà mình ở gần bờ kênh, có rất nhiều muỗi, tôi mua đến 2 cái máy bắt muỗi. Vậy mà, sau một thời gian dùng, muỗi không những không hết mà còn sinh sôi nhiều hơn, tôi phải mua thêm vài cái vợt bắt muỗi để… bắt phụ với máy. Kết quả, đứa con gái 5 tuổi của tôi vẫn phải nhập viện vì bị… bệnh sốt xuất huyết”.
Có rất nhiều thiết bị chống muỗi trên thị trường nhưng không phải loại nào cũng có tác dụng tích cực
GS-TSKH Vũ Quang Côn - Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam - đã khẳng định không phải máy bắt muỗi bằng bước sóng ánh sáng nào cũng có hiệu quả, bởi mỗi loài muỗi thích một loại ánh sáng nhất định. Thế nên không có chuyện chỉ cần một, hai cái đèn hay một, hai loại máy diệt muỗi là có thể “làm biến mất” tất cả các loại côn trùng như nhà sản xuất nói. GS-TSKH Vũ Quang Côn còn nhấn mạnh: “Dụ được muỗi hay côn trùng tới nơi có ánh sáng là một chuyện, nhưng loại máy đó có tiêu diệt được hay không còn phụ thuộc vào cấu tạo của các loại máy”. Thông thường một chiếc máy diệt côn trùng của nhà sản xuất thường có các bộ phận như đèn, quạt hút muỗi, cửa sổ giữ muỗi, lưới điện diệt muỗi. Khi muỗi bị dụ tới nơi có ánh sáng, quạt sẽ hút muỗi vào trong, chạm vào lớp lưới điện và bị đốt cháy. Nhưng trên thị trường, có vô vàn các loại máy, xuất xứ nhiều nguồn gốc, nhiều loại máy có bộ phận quạt hút hay lưới điện không tốt, muỗi bay vào “chơi” chán trong đó rồi “ung dung” bay ra... Đó là chưa kể những trường hợp máy đặt trong phòng kín, lại ở vị trí thấp trong tầm với của trẻ, dễ dẫn đến tình trạng gây bỏng, điện giật.
Ngoài các loại máy đuổi muỗi nói riêng và đuổi côn trùng nói chung sử dụng bước sóng ánh sáng, thị trường hiện nay còn xuất hiện loại máy sử dụng hương liệu là các loại hương thảo mộc như mùi hoa cúc, mùi bạc hà... để làm cho côn trùng sợ. Về vấn đề này, người có nhiều năm công tác tại Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng trung ương, thạc sĩ Nguyễn Việt Phương - Chủ tịch Hội Hóa sinh dinh dưỡng Việt Nam - chia sẻ: “Có một số loại muỗi, gián sợ mùi của các loại hoa, do điều kiện trong nhà không thể trồng cây, hoa, người ta sử dụng hương liệu tổng hợp để tạo mùi giống như các loại hoa mà côn trùng sợ để chúng tránh xa. Tuy nhiên, với những gia đình có trẻ nhỏ cần hết sức lưu ý khi dùng loại máy này vì mũi trẻ nhỏ dễ kích ứng với các loại mùi lạ. Vì là hương liệu tổng hợp nên chẳng may dính vào da cũng có thể gây dị ứng”. Thạc sĩ Phương còn cho biết thêm: tương tự, một số loại kem chống côn trùng, cha mẹ cũng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, những loại dễ gây dị ứng da thì tuyệt đối không nên dùng.
Cẩn thận với thuốc!
Phun thuốc diệt côn trùng trong nhà cũng là cách được gia đình dùng hiện nay. Với cách này, các gia đình có thể tránh bị muỗi đốt trong khoảng một tuần lễ đến nửa tháng. Sau đó lại phải tiếp tục phun lần hai, lần ba… nếu muốn có hiệu quả lâu dài. Thế nhưng, thạc sĩ Phương cảnh báo, các gia đình không nên quá lạm dụng việc phun thuốc (thông thường từ 4-6 tháng mới nên phun một lần) vì phun liên tục trong thời gian dài có thể dẫn đến hiện tượng lờn thuốc. Các gia đình cũng không nên thuê người phun thuốc tùy tiện, không có chuyên môn. Họ có thể sử dụng nhiều loại hóa chất diệt côn trùng, thậm chí “trộn” nhiều loại với nhau để diệt được nhanh và nhiều loại côn trùng nhất trong gia đình. Nếu dùng loại thuốc cấm sẽ nguy hiểm lớn cho sức khỏe người, nhất là với gia đình có trẻ nhỏ.
Thậm chí, theo tìm hiểu của chúng tôi, trước tình trạng muỗi quá nhiều, có gia đình còn tùy tiện mua thuốc về rồi tự pha chế xịt. Loại thuốc họ thường dùng là loại được quảng cáo của Đức, giá trên 1.000.000 đồng/gói. Theo lời người bán, sau khi pha thuốc diệt côn trùng với nước, xịt lên tường nhà, rèm cửa, giường, tủ… là có thể chống muỗi được đến 5-6 tháng. Với cách này, các chuyên gia y tế cũng cảnh cáo về mức độ nguy hiểm vì thiếu kiến thức chuyên môn. Nếu dùng không đúng, thuốc có thể gây ngộ độc, nguy cho chính người phun thuốc và các thành viên trong gia đình.
Ngay cả với cách diệt muỗi truyền thống là dùng bình xịt muỗi mini hằng ngày, các gia đình cũng nên chọn sản phẩm của các thương hiệu có uy tín; được kiểm định bởi cơ quan chức năng và dùng đúng theo hướng dẫn của nhà xuất để tránh nguy cơ bị ngộ độc.
Cách nào hiệu quả, an toàn?
Các chuyên gia sinh, hóa học khuyên người tiêu dùng đừng quá lạm dụng các loại máy, cũng như các loại hóa chất diệt côn trùng, gián, chuột mà hãy vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh những nơi nước đọng, nơi để đồ ăn thừa… Đồng thời, các biện pháp tiêu diệt sạch và tự nhiên như dùng keo nhựa cây, bẫy bằng lồng sắt, ngủ mùng... cũng được khuyên sử dụng. Hoặc có một cách khá hữu hiệu là sử dụng các loại cây, cỏ có hương thơm mà côn trùng sợ như quả bồ kết khô, cây hương nhu, cây gỗ thơm, vỏ bưởi, bã mía... đốt tạo ra khói khiến côn trùng sợ mà bỏ đi. Các gia đình nên lưu ý: đốt từng loại cây cỏ, đốt số lượng ít, tạo khói nhẹ và đi xung quanh nhà để diệt côn trùng triệt để.
Cách dùng cửa chống muỗi cũng được một số chuyên gia cho là lựa chọn tốt nếu người lắp cửa biết chọn loại chất lượng cao, tránh dùng các loại cửa kém chất lượng nhập từ Trung Quốc, bởi chúng được tẩm thêm hóa chất, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Thị trường cửa chống muỗi hiện rất nhộn nhịp dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao, khoảng 300.000 đồng - 500.000 đồng/m2, khách phải đặt trước khoảng 2-3 ngày mới được phục vụ; trong khi trước đây có thể đặt buổi sáng, buổi chiều đã được lắp đặt. Theo kinh nghiệm của những người dùng cửa lưới chống muỗi, các gia đình không nên dùng loại lưới làm bằng inox vì dễ han gỉ, nên dùng loại được làm bằng sợi thủy tinh, bên ngoài có phủ thêm lớp nhựa và ép dính giúp chịu được thời tiết mưa, nắng khắc nghiệt hay cả những nhà ở khu vực có hơi nước biển. Cửa cuốn từng nấc hoặc cửa lùa không dùng thanh đố cũng được khuyên dùng hơn các loại khác để tăng thêm tính thẩm mỹ cho nhà.