Ngộ độc vì... thuốc diệt côn trùng
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do thời tiết nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng cho côn trùng phát triển, nhiều gia đình đã mua thuốc xịt về tiêu diệt, nhưng sử dụng không đúng quy cách.
Hiện, trên thị trường đang bày bán rất nhiều sản phẩm diệt côn trùng, nhất là thuốc diệt muỗi với hai loại chính là hương vòng và bình xịt. Ngoài ra, còn có các loại thuốc diệt côn trùng dạng bột, kem và dạng viên phấn.
Bên cạnh một số sản phẩm có chú giải của Việt Nam, thì ở nhiều loại bình xịt của Trung Quốc hầu như không có một dòng chỉ dẫn nào bằng tiếng Việt cho biết thành phần hóa học, cần phải phun như thế nào, nồng độ ra sao.
Bà Nguyễn Hội An, xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội kể lại: “Gần tuần nay cứ chiều tối bật bóng đèn lên là côn trùng bay vào đầy nhà, đậu đen cả bóng đèn tuýp... Tôi mới quyết định đi mua bình xịt, chị bán hàng giới thiệu bình màu đỏ có tên là TongDangLing của Trung Quốc là loại thuốc có tác dụng “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”. Nhưng sau khi xịt chưa được 1 tiếng, đứa cháu nội lên 3 đột nhiên ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu ở Trạm y tế. Bác sĩ kết luận, cháu bé bị viêm đường hô hấp do hít phải hơi độc”.
Ông Phan Thế Ruệ, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Chị N.T.T, người Bắc Giang, cách đây hai tuần xuống Phòng khám Bệnh viện Bạch Mai khám và xin thuốc uống vì bị thuốc diệt côn trùng bay vào mắt. Đến ngày 20/6 chị lại phải đến phòng khám vì sau khi uống hết thuốc mắt lại bị ngứa, nổi tia đỏ và liên tục chảy nước mắt.
Theo các chuyên gia trong ngành thì thuốc diệt côn trùng dạng lỏng nguy hiểm hơn dạng rắn có cùng nồng độ. Do dung môi ở dạng lỏng thâm nhập vào da dễ dàng hơn. Sản phẩm chứa hóa chất càng mạnh khiến côn trùng mau chết thì khả năng gây ngộ độc cho con người càng cao. Nếu dùng vô tội vạ có thể gây ngộ độc trường diễn làm tổn thương gan phổi, nhất là khi sử dụng các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng.
PGS.TS. Trương Sĩ Niêm, Phó Trưởng khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: “Hóa chất vẫn còn tác dụng với côn trùng một thời gian dài sau khi phun chứng tỏ thuốc vẫn tồn lưu trong môi trường. Do đó hàng ngày người sử dụng vẫn hít phải nó, có khi đến cả tháng. Ngay cả những hóa chất đã được Bộ Y tế đảm bảo về độ an toàn, thì việc thường xuyên phải tiếp nhận chúng qua đường hô hấp cũng không có lợi cho sức khỏe. Các loại thuốc này đều pha thêm hương liệu khiến người sử dụng chủ quan, quên đi những yêu cầu an toàn tối thiểu như dùng găng tay, khẩu trang”.
Anh Trần Thái Hòa, Phó trưởng phòng Quản lý thuốc, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói: “Sử dụng thuốc diệt côn trùng không đúng quy cách (không đeo khẩu trang, bao tay, kính bảo hộ lao động) để thuốc dính vào tay, bay vào mắt hoặc hít phải có thể bị dị ứng, đau đầu, chóng mặt, xoang, suy hô hấp, hen đối với trẻ em. Đối với nam giới nếu vừa phun thuốc vừa hút thuốc lá sẽ hít vào cơ thể một lượng lớn có thể dẫn đến ngất xỉu... Trong những trường hợp bị ngộ độc thuốc tốt nhất người nhà nên đưa đến trạm y tế gần nhất. Khi đi nhớ mang theo vỏ thuốc để bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh hơn”.